An Giang – nơi gặp gỡ của các nền văn hóa dân tộc Kinh – Hoa – Chăm – Khmer. Sự giao thoa ấy tạo cho An Giang một sắc màu đa diện, trở thành đặc thù riêng của vùng đất Tây Nam Bộ. Sự giao thoa ấy đã giúp cho An Giang nâng lên một tầm cao mới về các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội. Nhưng tầm cao mới ấy phải song hành cùng với sự phát triển giáo dục để tạo thế cân bằng dân trí giữa các vùng miền. Đặc biệt đó là phát triển giáo dục cho đồng bào dân tộc Khmer ở các huyện miền núi Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn… Thấy được mục tiêu giáo dục quốc gia và trước sự ra đời của hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú trên toàn quốc, ngày 18/3/1992, UBND tỉnh An Giang đã ra quyết định số 78/QĐ.UB thành lập Trường phổ thông cấp 2 dân tộc Khmer nội trú huyện Tri Tôn.
Trường được xây dựng tại xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang với tổng diện tích 15.461m2. Lúc này, trường chỉ có 8 lớp từ lớp 6 đến lớp 8. Cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường chỉ khoảng 17 người. Thiếu nhân lực, thiếu cơ sở vật chất nhưng mọi người đều tích cực, đồng lòng xắn tay vào để chăm lo việc ăn, việc học của các em.
Năm học 1994 – 1995, Trường phổ thông cấp 2 dân tộc Khmer nội trú huyện Tri Tôn được UBND tỉnh An Giang đổi tên trường là Trường trung học Dân tộc nội trú Tri Tôn. Trường đã có học sinh cấp 3 đầu tiên (Lớp 10 với khoảng 21 học sinh). Trường hoạt động giảng dạy song song hai cấp học: cấp 2 và cấp 3.
Ngày 9/9/1996, UBND tỉnh An Giang ra Quyết định số 1018/QĐ.UB.TC chuyển đổi tên trường thành Trường trung học Dân tộc nội trú An Giang. Trường vẫn tồn tại 2 cấp học, trực thuộc sự quản lý của sở giáo dục và đào tạo An Giang.
Ngày 28/12/2000, UBND tỉnh An Giang ra Quyết định số 2612/QĐ.UB.TC đổi tên các trường phổ thông trung học trong tỉnh thành Trường trung học phổ thông. Trường trung học Dân tộc nội trú An Giang được đổi lại thành Trường trung học phổ thông Dân tộc nội trú An Giang.
Ngày 9/10/2015, UBND tỉnh An Giang ban hành Quyết định tách Trường trung học phổ thông Dân tộc nội trú An Giang thành hai trường. Đó là quyết định số 2179/QĐ-UB thành lập Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông An Giang đặt tại thành phố Châu Đốc (đào tạo học sinh cấp THPT) và quyết định số 2180/QĐ- UB thành lập Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Tri Tôn đặt tại cơ sở cũ ở huyện Tri Tôn (đào tạo học sinh cấp THCS).
Ngày 14/02/2016, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông An Giang chính thức chuyển về cơ sở mới được xây dựng tại Khóm Châu Thới 1, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Một ngôi trường đầy đủ cơ sở vật chất, đáp ứng được sự mong mong mỏi của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh An Giang.
Trường mang nét đẹp hiện đại và truyền thống. Trường được xây dựng với diện tích hơn 32.000 m2 với 15 phòng học, các phòng thí nghiệm, vi tính, nghe nhìn, hội trường, phòng Giáo viên, thư viện, các phòng làm việc của Ban Giám hiệu, Đoàn trường. Ký túc xá nam và nữ với một tầng trệt và ba tầng lầu, có sức chứa hơn 500 học sinh. Phía trước Ký túc xá là nhà ăn, nhà công vụ giáo viên và nhà đa năng.
Cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ, hiện đại, mới mẻ. Nhưng những ngày đầu, khi thầy trò dắt tay nhau ra dạy và học ở ngôi trường mới còn gặp nhiều khó khăn. Cây xanh bóng mát chưa có. Khuôn viên trường chịu sức nóng hanh gắt của mùa khô ở thành phố biên giới. Thầy trò cùng với sự hỗ trợ của địa phương, của phụ huynh học sinh đã đào xới, vun trồng, dần dần đem lại cho trường một cảnh quan xanh – sạch – đẹp. Những hàng cây Giáng hương, Thị, Phượng, Cau, Tha la… đang tỏa mát sân trường. Những hàng hoa Hoàng yến với sắc vàng rực bao quanh dãy phòng học. Điểm vào đó là sắc tím của hoa bằng lăng cánh mỏng. Những con đường chạy quanh khuôn viên trường được tráng xi măng sạch sẽ gắn với bảng tên đường: Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quý, Cồn Cỏ… như một niềm tự hào đi vào trái tim của mỗi học sinh. Trường khang trang, mới mẻ nhưng vẫn còn đó những thử thách. Vì vậy, tập thể nhà trường đoàn kết, quyết tâm không ngừng vươn lên để mang lại hiệu quả cao nhất, phấn đấu trở thành điểm sáng của ngành giáo dục An Giang và giáo dục dân tộc trong hệ thống các trường Phổ thông dân tộc nội trú trên toàn quốc.
Chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng được phát triển. Nhà trường đã tạo được niềm tin đối với các cấp lãnh đạo và cộng đồng các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Hai mươi sáu năm qua, trường gặt hái nhiều thành công trong dạy học. Trường đã đào tạo ra 2105 học sinh tốt nghiệp THPT, trong đó có khoảng hơn 1200 học sinh trúng tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng. Từ đó đã cung cấp cho tỉnh nhà một đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số có chất lượng. Các em đóng góp cho nhà trường những giải thưởng lớn trong các kỳ thi Học sinh giỏi cấp tỉnh, Hội thi Ca múa cấp tỉnh, Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh, Hội thi Văn hóa thể thao các trường Dân tộc nội trú toàn quốc, Thi tích hợp liên môn dành cho học sinh cấp tỉnh, cấp bộ. Nhiều thầy cô đạt thành tích cao trong dạy học như Giáo viên giỏi cấp tỉnh, Sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh, Dạy học tích hợp liên môn cấp tỉnh và cấp Bộ… và đạt các danh hiệu thi đua: “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”…, rồi nhiều khen thưởng khác của Tỉnh của Trung ương như Bằng khen của UBND tỉnh An Giang, Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, Nhà giáo ưu tú… Từ đó, nhà trường cũng được các cấp lãnh đạo khen thưởng: Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bằng khen của Thủ tướng chính phủ (2013).
Chất lượng giáo dục liên tục tăng và đạt mức độ cao (8 năm liền tỷ lệ tốt nghiệp THPT 100%, từ năm 2012 đến năm 2019, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học hàng năm dao động từ 60% đến 80%). Xếp loại hạnh kiểm hàng năm đạt từ 95% loại tốt trở lên, xếp loại học lực hàng năm đạt loại Giỏi từ 19 đến 30%, loại Khá từ 55 đến 65%, loại Trung bình từ 15 đến 18%, loại Yếu dưới 1%, không có loại Kém. Các chỉ tiêu về chất lượng đều đạt và vượt kế hoạch. Thực hiện tốt công tác chống lưu ban, bỏ học. Tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học hằng năm dưới 1%. Từ khi trường di dời về cơ sở mới (tháng 2 năm 2016), công tác nuôi dạy học sinh nhanh chóng ổn định, cảnh quan sư phạm được cải tạo, trồng nhiều cây xanh, hoa cảnh, môi trường sư phạm luôn xanh – sạch – đẹp tạo điều kiện tốt cho học sinh học tập, rèn luyện và vui chơi giải trí. Trường đã tạo được thương hiệu của mình, trở thành một trong những trường THPT chất lượng, nề nếp, kỉ cương trong tỉnh và là một trong những trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT có uy tín trên toàn quốc.
Quan hệ cộng đồng để huy động nguồn lực xã hội: Phối hợp chặt chẽ với ban đại diện hội CMHS, hội khuyến học các cấp của các huyện, thành phố và tỉnh để giới thiệu và cấp phát học bổng cho học sinh; Phối hợp với chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể, hội cựu giáo chức các huyện, thị và thành phố Châu Đốc trong việc quản lý, giáo dục học sinh; Huy động được các nguồn lực của xã hội, cá nhân tham gia vào việc phát triển nhà trường; Vận động phụ huynh học sinh, các tổ chức xã hội hiến tặng cây xanh, hoa cảnh để trồng bổ sung tạo bóng mát và cảnh quan sư phạm;
Vận động các chùa Nam tông Khmer, ban đại diện cộng đồng hồi giáo An Giang ủng hộ bàn, ghế đá, dụng cụ thể dục ngoài trời nhằm tạo điều kiện cho học sinh và giáo viên rèn luyện sức khỏe và vui chơi giải trí; Tổ chức cho học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tham quan, giao lưu với các trường Phổ thông dân tộc nội trú trên toàn quốc để học tập kinh nghiệm; Nhà trường tích cực, tự nguyện tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện.
Ứng dụng công nghệ thông tin: Phát huy tốt vai trò của thư viện điện tử; Khai thác và sử dung triệt để phần mềm quản lý giáo dục do Viettel cung cấp như: Học bạ điện tử, sổ điểm điện tử, sổ danh bộ điện tử, tin nhắn SMAS… trong việc liên lạc với phụ huynh học sinh và thông tin nội bộ trong nhà trường; Tham gia tích cực và có hiệu quả “Trường học kết nối”; Sử dụng hết công suất và có hiệu quả các thiết bị thông tin như: cổng thông tin điện tử, đường truyền Internet, hệ thống máy tính, máy chiếu Projector, màn hình LCD để phục vụ dạy học và các hoạt động giáo dục cũng như công tác quản lý học sinh.
Xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”: Từng bước hoàn thành các tiêu chí “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” một cách bền vững, thực chất; Thường xuyên cải tạo và chăm sóc cây xanh, hoa cảnh, vườn trường kết hợp với việc đầu tư xây dựng hai cột mốc chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa trên hai đồi giả sơn nhằm giáo dục chủ quyền biển đảo và tạo môi trường xanh-sach-đẹp, thân thiện; Cải tạo sân bóng chuyền, bóng đá, xây dựng hố nhảy, sân bi sắt, sân đẩy tạ và các loại dụng cụ thể dục ngoài trời tạo điều kiện cho học sinh và giáo viên rèn luyện sức khỏe; Thường xuyên lao động vệ sinh để đảm bảo khuôn viên nhà trường và các khu vệ sinh luôn sạch sẽ.
Năm học 2017 – 2018, trường PT Dân Tộc Nội Trú THPT An Giang có 452 học sinh theo học với 15 lớp. Học sinh dân tộc Chăm có 06 em đang theo học lớp 11 và lớp 10. Còn học sinh người Kinh có 13 em… Nhà trường thực hiện đúng theo chế độ chính sách của tỉnh, của Đảng và Nhà nước về giáo dục dân tộc.
Ban giám hiệu có 04; giáo viên đứng lớp có 36 thầy cô. Trường có 04 tổ chuyên môn gồm: Tổ Văn – Sử – Địa, Tổ Toán – Tin; Tổ Anh văn – Khmer – Giáo dục công dân – Thể dục – Giáo dục quốc phòng; Tổ Lý – Hóa – Sinh – Công nghệ. Giáo viên đạt chuẩn: 100%, trong đó có 07 thạc sĩ.
Học sinh học 2 buổi/ngày. Các em ăn ở và học tập tại trường. Cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ, hiện đại, mới mẻ. Trường được xây dựng với diện tích hơn 32.000 m2 với 15 phòng học, với các phòng thí nghiệm, vi tính, nghe nhìn… Ký túc xá nam và nữ có sức chứa hơn 500 học sinh. Và trường còn có nhà ăn tập thể, nhà công vụ giáo viên và nhà đa năng phục vụ cho sinh hoạt, cho việc rèn luyện giáo dục thể chất.
Chất lượng giáo dục của nhà trường vẫn được duy trì và được đánh giá cao. Về rèn luyện đạo đức, học sinh xếp loại hạnh kiểm khá tốt hơn 99,0%. Về học tập, học sinh đạt loại giỏi khoảng 20,0%, loại khá chiếm khoảng 60,0%. Tỉ lệ đỗ thẳng vào các trường Đại học, Cao đẳng nguyện vọng 1 hàng năm luôn từ 60,0% đến 80,0%; số học sinh còn lại được học cử tuyển, dự bị Đại học. Đặc biệt trong 6 năm học qua từ năm học 2011 – 2012 đến năm học 2016 – 2017, nhà trường giữ tỉ lệ tốt nghiệp THPT Quốc gia 100%.
Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục thực hiện đúng với tinh thần chỉ đạo của tỉnh, của Sở về thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học. Đặc biệt trường đã định hướng mục tiêu giáo dục, vạch ra các kế hoạch giáo dục, đổi mới dạy và học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục để chuẩn bị đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới và định hướng giáo dục dân tộc ngày càng khởi sắc hơn!
Hiệu trưởng: Nguyễn Trí Thanh